Từ đám trấu bỏ đi, thành đại gia tiền tỉ

Từ những đám trấu bỏ đi tưởng chừng vô giá trị, chúng đã mang lại thu nhập tiền tỉ cho những người chịu khó mày mò và quyết tâm theo đuổi mục tiêu.

Có 2 người đang có được khoản thu nhập tiền tỉ mỗi năm nhờ biến phế phẩm nông nghiệp là trấu là anh Nguyễn Hữu Dũng (SN 1987, Lương Tài, Bắc Ninh) và anh Lương Văn Minh ở khối phố 5, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Cả 2 anh đều nhìn thấy “tiền tỉ” từ số trấu bỏ đi của bà con nông dân sau khi đặt chúng trong sự liên kết với việc giá thành chất đốt đang tăng quá mạnh.

Ép trấu bỏ đi thảnh củi, thành doanh nhân trẻ thành đạt

Về trường hợp anh Dũng, do thấy bà con nông dân sau mỗi vụ mùa lại vứt bừa bãi các phế phẩm nông nghiệp như: vỏ trấu, mùn cưa, vỏ lạc… vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa vô cùng lãng phí, anh đã nảy ra ý tưởng sẽ kinh doanh từ chính những sản phẩm bỏ đi này.

Anh lên mạng tìm hiểu công nghệ và sau đó, đã lặn lội vào tận các xưởng sản xuất phía Nam để học hỏi kinh nghiệm và quy trình sản xuất. Đầu năm 2013, anh thành lập nhà xưởng chế biến chất đốt từ vỏ trấu với tổng số vốn gần 300 triệu đồng.

Sau đó, anh Dũng quyết định vào Huế để mua chiếc máy ép trấu trị giá gần 70 triệu đồng.

Thời gian đầu, ít nhân công một mình Dũng phải tự mình đi khắp các thôn xóm để thu mua vỏ trấu, mùn cưa làm nguyên liệu. Dũng kể, khi mới đi vào hoạt động, máy liên tục gặp trục trặc, sản phẩm làm ra có quá nửa bị lỗi, không dùng được. Sau khi nghiên cứu, mình phát hiện ra, các nguyên liệu đầu vào không tương thích khiến máy vận hành gặp khó khăn. Vỏ trấu ở miền Nam dài và mỏng, trong khi đó miền Bắc lại dày và tròn hơn nên độ kết dính không được như ý.

Anh đã cùng một số thợ cơ khí nghiên cứu, mày mò để tự tìm cách cải tiến, khắc phục cho phù hợp. Khi sản phẩm đã đạt chuẩn, Dũng lại phải tự mình tìm thị trường.

Mỗi ngày Dũng vượt hàng trăm cây số đến các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Hưng Yên… . thuyết phục các doanh nghiệp dùng thử nghiệm. Khi ấy, khái niệm “than vỏ trấu” còn rất xa lạ. Nhiều công ty đã thẳng thửng từ chối dù Dũng đưa ra mức giá thấp và cam kết chịu mọi phí tổn. Anh quyết định thay đổi chiến thuật kinh doanh, nhắm đến các hộ sản xuất nhỏ, lẻ. Dũng đến từng ngõ ngách để chào hàng, sẵn sàng cho bà con dùng thử sản phẩm miễn phí.

Với giá bán rất rẻ chỉ 1.500 đồng/ 1 kg than vỏ trấu, trong khi đó thời gian giữ nhiệt lại khá lâu. Nếu so với các loại chất đốt trên thị trường như: than, củi, dầu… thì tiết kiệm được khoảng 30% chi phí. Thêm vào đó, sản phẩm của Dũng lại thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, tro của than vỏ trấu, có thể tận dụng làm phân bón trong nông nghiệp.

 

Chính vì hiệu quả kinh tế cao mà nhiều hộ gia đình đã bắt đầu thử nghiệm. Người này giới thiệu người kia. Chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm của Dũng đã phủ sóng khắp các thôn xóm trong huyện. Đến lúc này, một số xí nghiệp trước kia từ chối thì nay quay lại gõ cửa, yêu cầu được dùng thử sản phẩm.

Tháng đầu tiên anh cho ra thị trường chỉ 40 – 50 tấn than, thì con số này liên tục tăng trong các tháng tiếp theo. Cao điểm có thời gian, cơ sở của Dũng sản xuất được 10 tấn/ ngày. Các đơn hàng từ khắp mọi nơi tới tấp đổ về, Dũng đã phải từ chối bớt vì không đáp ứng kịp nhu cầu.

 

Dũng thẳng thắn cho biết, giá nguyên liệu từ vỏ trấu khá rẻ nên trừ các chi phí sản mỗi tháng cơ sở kinh doanh của anh cũng mang lại lợi nhuận từ 200 – 300 triệu đồng. Chính vì hiệu quả kinh tế cao, nên sau 6 tháng sản xuất, Dũng quyết định nhập thêm máy ép và mở rộng thêm quy mô sản xuất.

Với diện tích 700m2 cùng một chiếc máy ép trấu và sản suất khoảng 200 tấn củi trấu mỗi năm, anh Dũng thu lãi được 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động chính và 6 lao động thời vụ với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng.

Hiện tại cơ sở sản xuất của anh Dũng  thu mua với giá 500 - 600 đồng/1kg trấu và bán ra thị trường 1.800 đồng/ kg than củi trấu. Việc thu mua trấu này không những giúp bà con có thêm một khoản thu nhỏ mà còn giảm tải ô nhiễm môi trường bởi khói bụi đốt từ trấu. Còn bản thân Dũng là một trong những tỷ phú trẻ nhất tỉnh với doanh thu hàng năm lên tới cả chục tỉ đồng.

Ông chủ của một cơ sở công nghiệp đã nói với anh Dũng: "Mỗi năm chú sử dụng chất đốt than củi trấu này có thể tiết kiệm đến 2 tỷ tiền nhiên liệu so với sử dụng than đá”.

Thu nhập “khủng” từ trấu

  

Mối lương duyên gắn anh Minh với trấu là do một lần tình cơ ngồi trò chuyện với anh bạn hồi còn học phổ thông hiện đang làm giám đốc một doanh nghiệp. Anh bạn bảo hiện các DN sản xuất gặp khó khăn do giá thành chất đốt tăng quá mạnh. Hiện anh đang tìm cách nhập nguồn nhiên liệu chất đốt rẻ, may ra mới hạ được giá thành sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường.

Nghe anh bạn than khó về nguồn nhiên liệu chất đốt, tự nhiên trong đầu anh Minh chợt nghĩ đến vỏ trấu ở quê người ta xay gạo rồi vứt bỏ tràn lan sao lại không sử dụng làm chất đốt?

Nhiều tháng ròng sau đó, trong từng giấc ngũ chập chờn, hình ảnh vỏ trấu đỏ đống gây ô nhiễm môi trường, rồi lời than vãn của anh bạn thân loay hoay tìm nguồn nhiêu liệu chất đốt rẻ để hạ giá thành đã thôi thúc anh Minh tìm giải pháp biến vỏ trấu thành nguồn nhiên liệu chất đốt cung cấp cho các nhà máy sản xuất với giá thành rẻ.

Bắt đầu từ đó, Minh bắt đầu tìm kiếm tài liệu cách chế biến vỏ trấu thành chất đốt có nhiệt lượng cao. Rất may, trong lần tình cờ lên mạng anh biết được một cơ sở ở Vũng Tàu cũng đang chế biến vỏ trấu thành củi.

Sáng hôm sau anh nhảy xe vào tận Vũng Tàu để tận mắt xem họ chế biến vỏ trấu thành củi như thế nào. Sau mấy ngày tầm sư học đạo, anh về lại quê bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến đó là vào đầu năm 2009.

 Gom góp số tiền vốn vợ giành dụm được, anh Minh đặt mua một máy ép vỏ trấu 60 triệu đồng mang về lắp đặt tại xưởng nhỏ đặt ngay vườn nhà.

Để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho xưởng ép trấu thành củi của mình, hàng ngày Minh tìm đến các điểm máy xay xát gạo trong huyện để đặt mua, rồi chở về tự mình mày mò vận hành máy ép vỏ trấu thành củi để thử nghiệm.

Sau hơn 2 tháng trời quên ăn quên ngũ vì trấu, cuối cùng những thanh củi trấu cũng ra đời như mong đợi.

 “Lúc đó toàn bộ củi trấu tui làm ra mang đến cho mấy cơ sở sản xuất dùng thử. Chỉ sau hơn 1 tháng, toàn bộ sản phẩm củi trấu tui sản xuất ra được các nhà máy bao tiêu sản phẩm vì đảm bảo nhiệt lượng cần thiết khi đốt lò các nồi hơi công nghiệp. So với than đá, củi trấu có nhiều ưu điểm như: nhiệt độ từ 3.800 - 4.000 độ C là vừa đạt yêu cầu lại vừa rẻ hơn 35% giá thành so 1 kg than đá.….” Anh Minh kể.

 

Mặc dù không nói rõ con số thu nhập. Nhưng với sản lượng 200 tấn củi trấu xuất  bán cho các nhà máy sản xuất mỗi tháng cũng đủ thấy số tiền thu nhập của anh lớn đến mức nào.

Anh minh tính toán, cứ 1,3 tấn trấu (giá 400 đồng/kg) cho ra 1 tấn củi trấu (giá 1.500 đồng/kg). Như vậy, tiền nguyên liệu là 520 ngàn đồng sẽ cho ra 1,5 triệu đồng tiền sản phẩm. Mỗi tháng anh sản xuất 200 tấn củi trấu đã cho anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Trừ chi phí nguyên liệu, khấu hao máy móc, trả lương cho công nhân, mỗi tháng anh kiếm hơn 100 triệu từ đồ bỏ đi .

Hiện công ty của anh Minh đầu tư 4 máy ép trấu. Trong đó, anh đặt 2 máy ở quê, 2 máy khác anh đặt tại tỉnh Quảng Ngãi để mở rộng và chủ động hơn trong khâu mua nguyên liệu. Anh cười bảo đó là 4 cái máy biến đồ bỏ đi thành tiền mà anh đeo đuổi thành công hơn 4 năm qua.

Ép trấu thành than, thu nhập chục triệu/tháng

Một nhân vật nữa cũng có khoản thu nhập lớn từ trấu là trường hợp anh Nguyễn Văn Hùng (xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Tin tức trên báo Khánh Hòa cho hay, đứng trước việc sau mỗi vụ mùa, các nhà máy xay xát trên địa bàn xã Ninh Thân luôn phải đau đầu với lượng vỏ trấu thải ra. Những ngày gió, trấu bay bụi mù, ngày mưa thì vỏ trấu chảy tràn. Ngoài việc đun nấu, các hộ dân chưa biết dùng vỏ trấu vào việc gì khác, anh Nguyễn Văn Hùng, nông dân ở thôn Đại Tập đã tìm hiểu và đầu tư máy móc để sản xuất than đốt từ vỏ trấu.

“Than trấu được sản xuất hoàn toàn bằng vỏ trấu, có ưu điểm là ít khói, đốt lâu, giá thành rẻ và không độc hại cho môi trường. Vì vậy, tôi đã đi đến các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Vĩnh Long... để tìm hiểu và mua về 2 máy ép sản xuất than trấu với giá gần 200 triệu đồng”, anh Hùng chia sẻ.

 

Đưa vào sản xuất từ cuối năm 2012, ban đầu, quá trình sản xuất than trấu gặp nhiều khó khăn do vỏ trấu ở địa phương dai và nhuyễn hơn trấu ở các tỉnh miền Tây.

Với sự hiểu biết về lĩnh vực cơ khí, anh Hùng đã sửa chữa một số bộ phận của máy sản xuất than trấu để phù hợp với loại trấu ở địa phương. Khi những thanh than trấu đầu tiên xuất lò, anh Hùng đã gửi mẫu vào TP. Hồ Chí Minh kiểm nghiệm tiêu chuẩn về nhiệt lượng, độ tro... Có kết quả kiểm nghiệm, anh bắt đầu chào hàng từ các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ trên địa bàn đến các công ty có quy mô sản xuất lớn ở TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh. Từ chỗ tiêu thụ chỉ vài tấn than/tháng, đến nay, cơ sở sản xuất của anh Hùng đã có nhiều hợp đồng cung cấp khoảng 300 tấn/tháng. Sau khi trừ chi phí, anh Hùng thu lãi gần 30 triệu đồng/tháng.

 

< Trở lại