Việt nam chế tạo áo giáp sơn nano bằng vỏ trấu

Nhà nữ khoa học tài danh phấn khởi cho biết: sau ba năm miệt mài nghiên cứu và trải qua rất nhiều khó khăn, cuối cùng bà và các cộng sự đã thử nghiệm thành công áo giáp sơn Nano bằng vỏ trấu với đạn thật tại một trường bắn tại Campuchia dưới sự giúp đỡ của quân đội nước này.

Kết quả, viên đạn súng lục ở cự li 2m đã không xuyên qua được chiếc áo 6 lớp sơn Nano vỏ trấu và được giới quan sát công nhận là an toàn với người sử dụng.

Nếu như các loại áo giáp chống đạn trên thế giới hiện nay thường được làm bằng vải Kevlar dày khoảng 30 lớp (trọng lượng 3-5kg) và áo giáp từ trường (phải lắp công tắc tắt mở dòng điện khá nguy hiểm) thì áo giáp sử dụng sơn Nano của Việt Nam hiệu quả chẳng kém mà nhẹ chỉ bằng 1/3 các loại khác.

Có mặt tại buổi Hội thảo diễn ra hôm 16/5 vừa qua tại TPHCM, các nhà khoa học chúc mừng thành công cùa PGS-TS Nguyễn Thị Hòe và thừa nhận rằng cách dùng vỏ trấu làm sơn Nano chống đạn của bà là "độc nhất vô nhị" trên thế giới hiện nay.

Nhà nữ khoa học tâm sự: suốt 30 năm ròng làm khoa học, đây là một công trình mà bà đổ nhiều công sức và vất vả nhất.

Trước khi tìm ra những ứng dụng tuyệt vời từ những vỏ trấu những tưởng bỏ đi, bà đã thử nghiệm rất nhiều loại vật liệu khác nhưng chỉ có vỏ trấu mới có những hợp chất đặc biệt thích hợp nhất.

Sau khi được xử lí bằng công nghệ Nano toàn bộ tính chất vật lí, hóa học đều bị thay đổi và giá trị của nó tăng lên gấp nhiều lần so với bình thường.

Không chỉ thành công trên áo chống đạn, Nano từ vỏ trấu còn thành công trên cả tuyệt vời trong sản phẩm sơn chống cháy bảo vệ bề mặt bê tông, thép, gỗ dưới sức nóng 1000 độ C trong vòng sáu giờ. Việc kéo dài thời gian bắt lửa có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu khả năng hỏa hoạn, cứu người trong khi chờ lực lượng cứu hỏa đến.

Chưa hết, thành công từ Nano vỏ trấu cũng tạo ra sơn kháng khuẩn có khả năng diệt sạch các loại vi khuẩn kể cả những loại khó diệt nhất.

Bà "bật mí" sẽ đưa sáng chế này đăng kí tại Mỹ và khi được cấp phép sẽ chuyển giao công nghệ cho các công ty sản xuất áo chống đạn trên thế giới.

Gương sáng cho người trẻ yêu khoa học

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe (hiện là chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova) là nhà khoa học nữ Việt Nam rất uy tín được Thế giới kính trọng từng nhận Giải thưởng khoa học uy tín Kovalevskaia, lọt vào danh sách 1.000 nhà khoa học nữ được đề cử nhận Nobel Hóa học 2005…

Bà có nhiều năm giảng dạy tại ĐHBK TPHCM và cũng là người sáng lập Giải thưởng Kova hàng năm dành cho các sinh viên khắp cả nước và các công trình khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn với giải thưởng hàng năm trị giá hàng tỉ đồng.

Để trở thành một nhà khoa học nổi tiếng Thế giới và một doanh nhân vô cùng thành đạt như ngày nay bà đã trải qua biết bao khó khăn sóng gió nhưng không gì có thể khuất phục được tinh thần thép và đam mê khoa học vô bờ bến của bà.

Bà kể: Lúc sang Mỹ mày mò làm nghiên cứu công nghệ Nano, dù Đại học Bách Khoa TP.HCM rất ủng hộ, nhưng do quá khó khăn nên không hỗ trợ bà được về tài chính nên phải đi vay mượn khắp nơi, chấp nhận trả lãi suất cao thậm chí phải bán cả chiếc xe máy duy nhất cũng chỉ gom góp được vỏn vẹn vài trăm USD làm lộ phí lên đường.

Khi đó, bà mang theo một vali 25kg nhưng toàn mẫu gạch ngói, đất đá và mì gói. Không có tiền, người phụ nữ mê nghiên cứu khoa học này phải ăn mì gói trong suốt hai tháng liền. Nhiều người quen hồi ấy không thể nhận ra bà bởi người gầy nhom do thiếu ăn.

Về nước rồi cứ 6 giờ sáng bà lên lớp dạy học, 9 giờ rưỡi tối mới về đến nhà, ăn vội vàng, nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục nghiên cứu tìm ra những công trình khoa học có ứng dụng cao trong đời sống.

Vượt qua bao khó khăn, cuối cùng bà đã thành công với những công trình khoa học khiến bạn bè thế giới phải ngã mũ kính phục.

Nhiều năm qua, bà thật sự trở thành tấm gương sáng dẫn đường cho nhiều thế hệ SVHS và các nhà khoa học trẻ noi gương và học hỏi.

 

< Trở lại